Diễn đàn Bệnh viện Giao thông Vận tải Tháp Chàm
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Bệnh viện Giao thông Vận tải Tháp Chàm

Nơi trao đổi, thảo luận cho các thành viên trong và ngoài bệnh viện


You are not connected. Please login or register

ĐỀ THI HIỂU BIẾT CHUNG (Ô. Tùng)

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Bs Kinh Thi

Bs Kinh Thi
Quản lý
Quản lý


Câu 1. Anh chị hãy nêu quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp và tiền lương, các chế độ liên quan đến tiền lương theo Luật viên chức số: 58/2010/QH12? (10 điểm)

Câu 2. Anh chị hãy cho biết nghĩa vụ chung, nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm của viên chức theo luật viên chức số 58/2010/QH12? (10 điểm)

Câu 3. Anh chị hãy nêu những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng? (10 điểm)

Câu 4. Anh chị hãy nêu trách của người đứng đầu cơ quan tổ chức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí? (10 điểm)

Câu 5. Anh/ chị hãy nêu những quy định chung và quy định thường trực lâm sàng theo Quy chế thường trực? (10 điểm)

Câu 6. Anh/ chị hãy nêu những quy định chung và yêu cầu cấp bách của cấp cứu theo Quy chế cấp cứu? (10 điểm)

Câu 7. Anh/ chị hãy nêu những quy định chung và quy định xử lí chất thải rắn theo Quy chế công tác xử lý chất thải? (10 điểm)

Câu 8. Anh/ chị hãy nêu những quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh và gia đình người bệnh đối với Bệnh viện? (10 điểm)

Câu 9. Anh/ chị hãy nêu tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế (12 Điều y đức)? (10 điểm)

Câu 10. Anh/ chị hãy vẽ sơ đồ tổ chức của Cục Y tế GTVT hiện tại? (10 điểm)









1. Câu 1. Anh chị hãy nêu quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp và tiền lương, các chế độ liên quan đến tiền lương theo Luật viên chức số: 58/2010/QH12?(10 điểm)
Trả lời:
1. Quyền của viên chức về hoạt động nghề nghiệp:
- Được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp
- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Được bảo đảm trang bị, thiết bị và các điều kiện làm việc.
- Được cung cấp thông tin liên quan đến công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
- Được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao.
- Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật.
- Được hưởng các quyền khác về hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương:
- Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.
- Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Câu 2. Anh chị hãy cho biết nghĩa vụ chung, nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm của viên chức theo luật viên chức số 58/2010/QH12?(10 điểm)
Trả lời:

1. Nghĩa vụ chung của viên chức
- Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
- Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản được giao.
- Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
2. Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp
- Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
- Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
- Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.
- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
- Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ các quy định sau:
+ Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân;
+ Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn;
+ Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân;
+ Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
- Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Những việc viên chức không được làm
- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
- Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
- Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
- Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu 3. Anh chị hãy nêu những việc cán bộ, công chức viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng?(10 điểm)
Trả lời:

1. Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:
a) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;
b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;
d) Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
đ) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị vì vụ lợi.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
5. Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
6. Quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này cũng được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân;
b) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.


Câu 4. Anh chị hãy nêu trách của người đứng đầu cơ quan tổ chức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?(10 điểm)
Trả lời:

1. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực được giao quản lý và trong cơ quan, tổ chức mình.
- Bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của công dân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 7 của Luật này. Khi nhận được tin báo của công dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải kiểm tra, xem xét để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời và phải trả lời bằng văn bản cho người đã phát hiện.
- Xử lý hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với người trong cơ quan, tổ chức mình có hành vi gây lãng phí; thực hiện công khai việc xử lý hành vi gây lãng phí trong cơ quan, tổ chức.
- Gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về tình trạng lãng phí trong cơ quan, tổ chức mình.
2. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Thực hiện công vụ được giao đúng quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Sử dụng tiền, tài sản nhà nước được giao đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Tham gia giám sát, đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức và trong lĩnh vực công tác được phân công, kịp thời phát hiện, tố cáo, ngăn chặn và xử lý hành vi gây lãng phí theo thẩm quyền.


Câu 5. Anh/ chị hãy nêu những quy định chung và quy định thường trực lâm sàng theo Quy chế thường trực?(10 điểm)
Trả lời:

1. Quy định chung:
- Chế độ thường trực ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ phải được bệnh viện tổ chức bảo đảm liên tục 24 giờ, để kịp thời cấp cứu, khám bệnh, chẩn đoán và điều trị ngay cho người bệnh.
- Danh sách các thành viên thường trực phải được phân công theo lịch từ tuần trước do lãnh đạo bệnh viện kí duyệt và được ghi trên bảng ở mỗi vị trí thường trực và lịch thường trú của các chuyên gia đầu ngành, riêng khoa ngoại phải có danh sách kíp phẫu thuật và thường trực buồng phẫu thuật.
- Các phiên thường trực phải được tổ chức chặt chẽ, có đầy đủ các phương tiện vận chuyển, thiết bị , dụng cụ y tế và thuốc để kịp thời cấp cứu người bệnh.
- Các vị trí thường trực phải có biển, bảng, mũi tên hướng dẫn, đèn sáng và có sổ ghi chép tình hình phiên thường trực, có danh sách nơi ở, điện thoại của giám đốc, trưởng các khoa, trưởng các phòng, chuyên gia của các chuyên khoa để mời hội chẩn khi có yêu cầu.
- Người thường trực phải có mặt đầy đủ, đúng giờ để nhận bàn giao của phiên thường trực trước và khi hết giờ phải bàn giao cho phiên thường trực sau, không được rời bỏ vị trí thường trực và phải thực hiện mệnh lệnh thường trực của cấp trên.
- Thường trực chính phải là người có đủ trình độ, độc lập giải quyết công việc. Bác sĩ đang trong thời gian tập sự không được phân công thường trực chính.
2. Thường trực lâm sàng:
- Trưởng phiên thường trực là trưởng khoa đối với các bệnh viện hạng I, II và Trưởng khoa hoặc một số bác sĩ khác do giám đốc chỉ định đối với bệnh viện hạng III; có nhiệm vụ:
+ Điều hành nhân lực trong phiên thường trực để hoàn thành nhiệm vụ.
+ Cho y lệnh giải quyết các trường hợp cấp cứu, người bệnh mới đến và người bệnh nặng đang điều trị có diễn biến bất thường.
+ Báo cáo và xin ý kiến thường trực lãnh đạo trong trường hợp vượt quá khả năng giải quyết về chuyên môn và các trường hợp đặc biệt như tự sát dịch bệnh, thảm hoạ, cấp cứu hàng loạt…
+ Thông báo với thường trực bảo vệ, đồng thời báo cáo thường trực lãnh đạo trong trường hợp mất an ninh, trật tự trong bệnh viện.
+ Tăng cường kiểm tra, đôn đốc viên chức thường trực ít nhất 3 lần trong phiên thường trực.
- Bác sĩ thường trực là các bác sĩ tham gia điều trị của khoa có nhiệm vụ:
+ Tiếp nhận người bệnh đến cấp cứu.
+ Theo dõi xử lý người bệnh được bàn giao.
+ Hướng dẫn đôn đốc mọi thành viên trong phiên thường trực thực hiện đầy đủ các y lệnh.
+ Phân công trách nhiệm cho một thành viên thường trực theo dõi sát sao, xử lí kịp thời các diễn biến xấu đối với người bệnh nặng diện chăm sóc cấp I.
+ Thăm người bệnh thuộc diện chăm sóc cấp 1 ít nhất 2 giờ một lần và ghi hồ sơ bệnh án sau mỗi lần thăm khám.
- Y tá (điều dưỡng) thường trực là y tá (điều dưỡng) của từng khoa đối với bệnh viện hạng I, và II. Bệnh viện hạng III có thể tổ chức thường trực y tá (điều dưỡng) liên khoa do giám đốc bệnh viện quyết định; có nhiệm vụ:
+ Thực hiện y lệnh, chăm sóc theo dõi người bệnh.
+ Đôn đốc người bệnh thực hiện nội qui bệnh viện.
+ Bảo quản hồ sơ, tủ thuốc, tài sản của khoa.
+ Phát hiện người bệnh có diễn biến bất thường, có nguy cơ tử vong, báo cáo bác sĩ thường trực, đồng thời ghi đầy đủ các diễn biến vào phiếu theo dõi.


Câu 6. Anh/ chị hãy nêu những quy định chung và yêu cầu cấp bách của cấp cứu theo Quy chế cấp cứu?(10 điểm)
Trả lời:
1. Quy định chung:
- Cấp cứu là một nhiệm vụ rất quan trọng, giám đốc bệnh viện có nhiệm vụ tổ chức cấp cứu kịp thời trong mọi trường hợp:
+ Người bệnh mới đến tại khoa khám bệnh hoặc vào thẳng các khoa lâm sàng.
+ Người bệnh đang theo dõi điều trị tại các khoa lâm sàng có diễn biến nặng, nguy kịch.
+ Tuyến dưới có yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp.
+ Cấp cứu người bệnh ngoài bệnh viện.
- Trong tất cả các trường hợp cấp cứu, bác sĩ, y tá (điều dưỡng) phải khẩn trương và kịp thời cấp cứu ngay; không được gây phiền hà trong thủ tục hành chính và không được đun đẩy người bệnh.
- Phải ưu tiên tập trung mọi điều kiện, phương tiện tốt nhất cho việc cấp cứu người bệnh:
+ Cán bộ chuyên môn có trình độ, có kinh nghiệm.
+ Thiết bị y tế, phương tiện phục vụ tốt.
+ Cơ sở hạ tầng kĩ thuật thuận tiện, phương tiện vận chuyển tốt...
- Công tác cấp cứu phải bảo đảm hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày.
2. Yêu cầu cấp bách của cấp cứu:
a. Người bệnh cấp cứu vào bất cứ khoa nào trong bệnh viện cũng phải được tiếp đón ngay; những khoa lâm sàng không có buồng cấp cứu thì viên chức của khoa phải kết hợp cùng với gia đình người bệnh đưa người bệnh đến buồng cấp cứu thích hợp nhất.
- Y tá (điều dưỡng) phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cấp cứu khi có người bệnh cấp cứu phải thực hiện ngay nhiệm vụ tiếp đón, lấy mạch, nhiệt độ, huyết áp... mời bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ trực đến cấp cứu ngay.
- Bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ thường trực phải khám xét khẩn cấp và ra y lệnh xử lý kịp thời.
- Người bệnh trong tình trạng nguy kịch phải tập trung sơ cứu, mời bác sĩ hồi sức hỗ trợ.
- Người bệnh có chỉ định chuyển khoa hồi sức cấp cứu hoặc chuyển khoa thích hợp, phải vừa chuyển vừa hồi sức.
b. Tại buồng cấp cứu khoa khám bệnh :
- Bác sĩ cấp cứu phải tập trung sơ cứu , hội chẩn và xử trí kịp thời.
- Y tá (điều dưỡng) tiếp đón có trách nhiệm đưa người bệnh đã qua cơn nguy kịch đến khoa lâm sàng thích hợp theo chỉ định của bác sĩ và bàn giao chu đáo cho y tá (điều dưỡng) khoa nhận người bệnh cấp cứu.
c. Người bệnh đang điều trị nội trú có diễn biến nặng:
- Bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ thường trực có trách nhiệm khám xét ngay, chẩn đoán tiên lượng và xử trí kịp thời.
- Trường hợp người bệnh có diễn biến nặng hoặc khi gia đình người bệnh yêu cầu: y tá (điều dưỡng) phải mời bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ thường trực đến ngay.
- Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ thường trực phải xin hội chẩn gấp để có biện pháp xử trí kịp thời.
d. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm tổ chức ứng cứu kịp thời vào bất cứ thời gian nào:
- Khi tuyến dưới xin hỗ trợ.
- Khi có tai nạn hàng loạt, thảm hoạ.


Câu 7. Anh/ chị hãy nêu những quy định chung và quy định xử lí chất thải rắn theo Quy chế công tác xử lý chất thải?(10 điểm)
Trả lời:
1. Quy định chung:
- Chất thải bệnh viện bao gồm chất thải rắn, lỏng và khí; là những chất thải được thải ra trong quá trình điều trị, chẩn đoán, chăm sóc và sinh họat. Chất thải bệnh viện có đặc tính lí học, hoá học và sinh học vừa là nguồn gây ô nhiễm môi trường vừa là nguồn lây bệnh; vì vậy xử lí và kiểm soát nghiêm ngặt chết thải là nhiệm vụ quan trọng của bệnh viện.
- Khoa chống nhiễm khuẩn bệnh viện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và giám sát việc xử lí chất thải trong toàn bệnh viện.
- Nơi tập trung, bể chứa chất thải của bệnh viện phải có mái che, có tường bao quanh và ở phía tây bắc của bệnh viện.
2. Quy định xử lí chất thải rắn:
a. Mọi người làm phát sinh ra chất thải phải thu gom, phân loại bỏ vào đúng nơi quy định.
b. Chất thải rắn được phân làm 4 loại và đựng trong túi nylon hoặc hộp cứng theo quy định:
- Túi nylon màu xanh đựng chất thải chung không độc.
- Túi nylon màu vàng đựng chất thải nhiễm khuẩn.
- Hộp cứng màu vàng đựng các vật sắc nhọn.
- Túi nylon màu đen đựng các chất hoá học, chất phóng xạ và thuốc gây độc.
c. Hộ lí các khoa, buồng bệnh có cách nhiệm :
- Đặt thùng rác kèm theo túi nylon tại các vị trí quy định.
- Tập trung rác từ các buồng bệnh, buồng thuật vào thùng rác chung của khoa.
- Buộc túi nylon khi rác đầy 2/3 túi và dán nhãn ghi rõ họ tên khoa, buồng bệnh trên nhãn.
- Thu gom bỏ rác vào thùng nếu có rơi vãi ra ngoài.
- Cọ rửa thùng đựng rác hàng ngày.
d .Viên chức đội vệ sinh môi trường có trách nhiệm:
- Vận chuyển chất thải bằng xe đẩy từ các khoa đến bể chứa rác của bệnh viện, không làm rơi vãi chất thải trên đường vận chuyển.
- Vận chuyển chất thải ngày hai lần : Buổi sáng, buổi chiều và khi cần thiết.
- Tập trung riêng và vận chuyển đến nhà đại thể để chôn hoặc đốt chất thải là các mô, cơ quan nội hoặc các phần của cơ thể người bệnh cắt ra.
e. Xử lí chất thải:
- Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm:
+ Bảo đảm bệnh viện có lò đốt chất thải đúng tiêu chuẩn công nghệ.
+ Bảo đảm các điều kiện xử lí chất thải.
+ Công ty môi trường hàng ngày đến thu dọn và vận chuyển chất thải chung không độc hại của bệnh viện đến bãi rác công cộng để xử lí theo hợp đồng.
- Viên chức đội vệ sinh môi trường có trách nhiệm :
+ Chôn sâu cách mặt đất 50cm hoặc đốt tại nơi quy định chất thải nhiễm khuẩn.
+ Tẩy uế, xử lí cơ học sau đó đốt hoặc chôn sâu cách mặt đất 50cm chất thải là các vật sắc nhọn.
+ Phân huỷ, hoá học hoặc xử lí theo quy định chất thải hoá học, các chất phóng xạ và thuốc gây độc.
+ Xử lí các dụng cụ sử dụng lại như thùng chứa, xe đẩy theo quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện.


Câu 8. Anh/ chị hãy nêu những quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh và gia đình người bệnh đối với Bệnh viện?(10 điểm)
Trả lời:
I. QUYỀN LỢI:
1. Người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc theo bệnh lí.
2. Người bệnh được phục vụ ăn uống theo chế độ ăn uống bệnh lí.
3. Người bệnh được sử dụng quần áo, chăn, màn, chiếu và dụng cụ sinh hoạt của bệnh viện theo quy định.
4. Người bệnh và gia đình người bệnh được nghe thầy thuốc giải thích về tình trạng bệnh tật, công khai thuốc được sử dụng, cách ăn, uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi và tự bảo vệ sức khoẻ.
5. Người bệnh và gia đình người bệnh được góp ý kiến xây dựng về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của các thành viên trong bệnh viện.
6. Gia đình người bệnh được đến tham người bệnh theo quy định của bệnh viện.
II. NGHĨA VỤ:
1. Người bệnh phải thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh của thầy thuốc.
2. Người bệnh có trách nhiệm thanh toán tiền viện phí theo qui định của Nhà nước.
3. Người bệnh có trách nhiệm giữ gìn tài sản được mượn, khi để mất phải bồi thường.
4. Người bệnh và gia đình người bệnh phải giữ gìn vệ sinh trật tự giường bệnh, buồng bệnh, toàn bệnh viện và tự giác chấp hành nội qui bệnh viện và luật pháp Nhà nước.
5. Người bệnh và gia đình người bệnh đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa người bệnh và gia đình người bệnh trong thời gian chữa bệnh.
6. Người bệnh và gia đình người bệnh tôn trọng thầy thuốc và nhân viên y tế.

Câu 9. Anh/ chị hãy nêu tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế (12 Điều y đức)?(10 điểm)
Trả lời:
Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy : "Lương y phải như từ mẫu”. Phải thật thà đoàn kết, khắc phục khó khăn, học tập vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, toàn tâm toàn ý xây dựng nền Y học Việt Nam. Y đức phải thể hiện qua những tiêu chuẩn, nguyên tắc đạo đức được xã hội thừa nhận.
1. Chăm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
2. Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho các phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.
3. Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thăm khám, chăm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
4. Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị, phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh, động viên an ủi, khuyến khích ngưòi bệnh điều trị, tập luyện nhanh chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng họăc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chăm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.
5. Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử lý kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.
6. Kê đơn phải phù hợp với chuẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hơp lý, an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.
7. Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử lý kịp thời các diễn biến của người bệnh.
8. Khi người bệnh ra viện phí dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chăm sóc và giữ gìn sức khoẻ.
9. Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.
10. Thật thà, đoàn kết, tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
11. Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình, không đồ tội cho đồng nghiệp, cho tuyến dưới .
12. Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị tai nạn, ốm đau tại cộng đồng, gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết