Diễn đàn Bệnh viện Giao thông Vận tải Tháp Chàm
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn đàn Bệnh viện Giao thông Vận tải Tháp Chàm

Nơi trao đổi, thảo luận cho các thành viên trong và ngoài bệnh viện


You are not connected. Please login or register

ĐIỀU LỆ HỘI THẦY THUỐC TRẺ TỈNH NINH THUẬN

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Bs Kinh Thi

Bs Kinh Thi
Quản lý
Quản lý

(Phê duyệt theo Quyết định số 1617 /QĐ-UBND ngày 18/7/2011
của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận)
------------------------------------

Chương 1
TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH
Điều l. Tên hội
1. Tên tiếng Việt: Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận.
2. Tên tiếng Anh: Ninh Thuận Young Physician Association
3. Tên Tiếng Anh viết tắt: NYPA

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích của Hội
l. Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận (sau đây gọi tắt là Hội) là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện, không vụ lợi của các Thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận cùng phấn đấu vì sự phát triển của lực lượng thầy thuốc trẻ và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Hội hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ này.
2. Hội có mục đích đoàn kết, tập hợp lực lượng thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận trong một tổ chức xã hội nghề nghiệp để góp phần bồi dưỡng, phát huy tiềm năng, tri thức, công sức của thầy thuốc trẻ phấn đấu cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Điều 3. Nguyên tắc, phạm vi hoạt động, địa vị pháp lý và trụ sở chính của Hội
1. Hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc:
a) Tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính và không vụ lợi;
b) Hiệp thương dân chủ và thống nhất hành động;
c) Đoàn kết, tương trợ, hợp tác bình đẳng.
2. Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh Ninh Thuận.
3. Hội là thành viên tập thể của Hội liên hiệp Thanh niên tỉnh Ninh Thuận, hoạt động theo định hướng và được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Ninh Thuận.
4. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Sở Y tế Ninh Thuận về lĩnh vực hoạt động. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
5. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản tại ngân hàng và có biểu trưng riêng.
6. Trụ sở chính của Hội đặt tại Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận.

Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI
Điều 4. Chức năng của Hội
1. Đại diện cho lực lượng thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận là hội viên của Hội trong các quan hệ trong tỉnh và trên cả nước theo quy định của pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên trước pháp luật và công luận.
2. Bồi dưỡng, hỗ trợ lực lượng thầy thuốc trẻ nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ trong học tập, nghiên cứu khoa học và trong công tác.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội
1. Đoàn kết, tập hợp lực lượng thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận vào một tổ chức thống nhất.
2. Phát động các chương trình, cuộc vận động của Hội; tổ chức các hoạt động tình nguyện, xung kích của đội ngũ các thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đặc biệt là đồng bào nghèo, sống tại vùng sâu, vùng xa và các vùng đặc biệt khó khăn.
3. Tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn, nhằm cung cấp, trao đổi thông tin, kiến thức đề tài khoa học giữa các thầy thuốc trẻ là hội viên của Hội; giữa Hội với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội.
4. Tập hợp thầy thuốc trẻ trong việc triển khai các nghiên cứu y tế công cộng nhằm góp phần cùng ngành y tế đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
5. Được gia nhập làm hội viên của các hội quốc tế và khu vực theo quy định của pháp luật.
6. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
7. Hội có văn phòng đại diện và có các đơn vị trực thuộc được thành lập theo quy định của pháp luật.

Chương III
HỘI VIÊN
Điều 6. Hội viên
1. Hội viên chính thức: hội viên Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận là công dân Việt Nam từ 20 tuổi đến đủ 45 tuổi, đang công tác, làm việc và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin gia nhập hội, đều có thể được xét kết nạp làm hội viên của Hội.
2. Hội viên danh dự: các công dân Việt Nam có uy tín xã hội và có khả năng đóng góp xây dựng Hội; các hội viên khi quá 45 tuổi nếu có đóng góp tích cực vào các hoạt động của Hội và có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Hội, được tổ chức Hội đồng ý thì được công nhận là hội viên danh dự của Hội.
Hội viên danh dự được tham gia các hoạt động của Hội nhưng không tham gia ứng cử, đề cử vào cơ quan lãnh đạo Hội và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.

Điều 7. Quyền của hội viên
l. Tham gia các hoạt động của Hội.
2. Được ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội, được thảo luận và biểu quyết các công việc của Hội.
3. Được bồi dưỡng, hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp trong việc phát huy tài năng, trau dồi kiến thức, năng lực trong công tác, học tập và nghiên cứu khoa học.
4. Được bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp trước pháp luật và công luận. Tham gia các diễn đàn trao đổi thông tin, ý kiến, đề xuất kiến nghị với các cơ quan đảng, nhà nước, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội phù hợp với quy định của pháp luật.
5. Được ra khỏi hội khi không còn nguyện vọng hoặc không có điều kiện để tiếp tục tham gia sinh hoạt Hội.

Điều 8. Nhiệm vụ của hội viên
1. Tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt Hội.
2. Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Hội, nghị quyết của Đại hội cũng như quyết định của Ban Chấp hành.
3. Tham gia các hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Hội phân công.
4. Bảo vệ và nâng cao uy tín của Hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để cùng phấn đấu thực hiện mục đích của Hội; tham gia đóng góp vào việc tuyên truyền và vận động phát triển Hội.
5. Đóng hội phí đầy đủ.

Điều 9. Thủ tục vào Hội, ra Hội
1. Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại Điều 6 của Điều lệ này có đơn xin gia nhập hội gửi Ban Chấp hành Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận.
2. Tư cách hội viên sẽ không còn trong các trường hợp sau:
a) Hội viên tự nguyện xin ra khỏi Hội;
b) Hội viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, cấm hành nghề y, dược;
c) Hội viên bị kỷ luật bằng hình thức xóa tên hội viên.
3. Ban Thường vụ quy định cụ thể trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định vào Hội, ra Hội.

Chương IV
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỘI
Điều 10. Tổ chức của Hội
1. Tổ chức của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận gồm:
a) Đại hội Đại biểu Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận;
b) Ban Chấp hành Hội;
c) Ban Kiểm tra;
d) Văn phòng Hội.
2. Chi hội Thầy thuốc trẻ các huyện, thành phố; Bệnh viện tỉnh, các đơn vị trực thuộc Sở y tế trực thuộc tỉnh là thành viên tự nguyện của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận, do Hội LHTN các huyện, thành phố quyết định cho phép thành lập và phê duyệt Điều lệ theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Đại hội Đại biểu cấp tỉnh
1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội Đại biểu cấp tỉnh, được tổ chức 3 năm một lần. Thành phần, số lượng đại biểu dự Đại hội do Ban Chấp hành Hội quy định. Đại hội bất thường được triệu tập khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số uỷ viên Ban Chấp hành hoặc có ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị.
2. Đại hội có các nhiệm vụ sau:
a) Thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Hội;
b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội (nếu có);
c) Quyết định phương hướng, chương trình hoạt động của Hội và các vấn đề tổ chức của Hội;
d) Hiệp thương bầu Ban Chấp hành Hội và Ban Kiểm tra Hội;
đ) Thông qua Nghị quyết Đại hội.

Điều 12. Ban Chấp hành Hội
l. Ban Chấp hành Hội là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa 2 kỳ Đại hội, do Đại hội hiệp thương bầu cử và được Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh công nhận. Trong một nhiệm kỳ, Ban Chấp hành có thể được bổ sung, thay thế nhưng không quá 1/3 (một phần ba) số lượng ủy viên Ban Chấp hành. Việc bổ sung, thay thế Ban Chấp hành do Ban Chấp hành Trung ương Hội quyết định.
2. Thành phần Ban Chấp hành Hội gồm những hội viên tiêu biểu, các hội viên của Hội là đại diện của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh và hội viên của Hội là đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan.
3. Ban Chấp hành Hội có nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội;
b) Quyết định chương trình kế hoạch công tác, kế hoạch tài chính hàng năm;
c) Quyết định việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Điều lệ Hội; chuẩn bị nội dung và triệu tập Đại hội;
d) Hiệp thương bầu ra Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội, quyết định bổ sung, thay thế ủy viên Ban Chấp hành;
đ) Quyết định việc kết nạp hội viên, công nhận hội viên danh dự và xem xét kỷ luật hội viên;
e) Ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành và của Hội. Ban Chấp hành làm việc theo quy chế và quyết định theo nguyên tắc đa số thành viên dự họp;
g) Ban Chấp hành họp định kỳ 6 tháng 1 lần.

Điều 13. Chủ tịch Hội
1. Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành bầu ra trong số các ủy viên Ban Chấp hành bằng hình thức giơ tay, hoặc bỏ phiếu kín, là người đại diện cao nhất của Hội trong các quan hệ trong và ngoài tỉnh, chịu trách nhiệm trước pháp luật, Ban Chấp hành Hội và toàn thể hội viên về hoạt động của Hội và chỉ đạo toàn bộ công việc của Hội giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội thực hiện theo quy chế làm việc của Ban Chấp hành.
3. Hội có thể mời và suy tôn một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền có tâm huyết và nhiệt tình giúp đỡ xây dựng, phát triển đội ngũ các thầy thuốc trẻ làm Chủ tịch danh dự của Hội.

Điều 14. Phó Chủ tịch Hội
1. Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành Hội bầu ra trong số ủy viên Ban Chấp hành theo đề nghị của Chủ tịch Hội bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.
2. Phó Chủ tịch có nhiệm vụ giúp cho Chủ tịch Hội theo dõi; chỉ đạo các lĩnh vực công tác được phân công và cùng với Chủ tịch chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội và các lĩnh vực công tác được Chủ tịch Hội phân công.

Điều 15. Văn phòng Hội, các Ban chuyên môn và các tổ chức trực thuộc
1. Văn phòng Hội được tổ chức và hoạt động theo quy chế của Hội.
2. Các Ban chuyên môn do Ban Chấp hành quyết định thành lập, Ban chuyên môn có nhiệm vụ giúp Ban Chấp hành thực hiện, triển khai các hoạt động về chuyên môn.
3. Các tổ chức trực thuộc Hội thành lập theo Điều lệ Hội và quy định của pháp luật. Các tổ chức thuộc Hội có nhiệm vụ chính:
a) Chấp hành Điều lệ Hội, các nghị quyết của Đại hội Hội và của Ban Chấp hành Hội;
b) Lập kế hoạch hoạt động tài chính theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí;
c) Nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ các hội viên theo chương trình hành động của Hội;
d) Thường xuyên quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý về các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Hội.

Điều 16. Ban Kiểm tra
1. Ban Kiểm tra do Đại hội Đại biểu cấp tỉnh hiệp thương bầu ra, gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các uỷ viên. Trưởng ban Kiểm tra là người chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban Kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Đại hội.
2. Ban Kiểm tra có nhiệm vụ:
a) Kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đại hội, Điều lệ, quy chế và chương trình công tác hàng năm của Hội;
b) Kiểm tra tư cách hội viên, kiểm tra việc tham gia các hoạt động để trình Ban Chấp hành Hội xem xét, quyết định biểu dương, khen thưởng, đồng thời phát hiện những vi phạm của hội viên, báo cáo Ban Chấp hành Hội để kịp thời chấn chỉnh;
c) Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Hội và các tổ chức thuộc Hội, xem xét và đề xuất việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội;
d) Báo cáo các kết quả kiểm tra trong các hội nghị hàng năm và trong Đại hội toàn thể.

Chương V
TÀI SẢN, TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 17. Tài chính của Hội

1. Các nguồn thu của Hội gồm:
a) Hội phí của hội viên;
b) Thu từ các hoạt động của Hội và các tổ chức trực thuộc Hội;
c) Các khoản thu do hội viên, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ;
d) Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các dự án, chương trình của Hội (nếu có);
đ) Các nguồn thu hợp pháp khác.
Kinh phí thu được từ các nguồn trên không được chia cho hội viên.
2. Các khoản chi của Hội gồm:
a) Các hoạt động của Hội và cơ quan thường trực Hội;
b) Công tác xã hội;
c) Khen thưởng;
d) Đầu tư, xây dựng, mua sắm, sửa chữa tài sản, cơ sơ vật chất của Hội;
đ) Chi hợp pháp khác.

Điều 18. Tài sản của Hội
Tài sản của Hội gồm nhà cửa, cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện phục vụ cho hoạt động của Hội và các tài sản khác thuộc sở hữu của Hội.

Điều 19. Quản lý tài chính, tài sản
1. Văn phòng Hội thay mặt Ban Chấp hành quản lý các tài sản, tài chính của Hội. Quy chế quản lý, sử dụng tài sản, tài chính ở Hội ban hành theo các quy định hiện hành để quản lý, sử dụng tài sản và tài chính của Nhà nước.
2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể quy chế quản lý và sử dụng tài sản, tài chính của Hội;
3. Khi Hội giải thể hoặc bị giải thể thì toàn bộ tài sản, tài chính của Hội được xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI
KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT
Điều 20. Khen thưởng

1. Hội viên, các đơn vị trực thuộc và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội, được Hội xem xét khen thưởng hoặc đề nghị Hội LHTN tỉnh và Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Sở Y tế, chính quyền địa phương và các tổ chức hữu quan khen thưởng.
2. Ban Chấp hành lập ra các giải thưởng cần thiết để tuyên dương, động viên phát triển phong trào thầy thuốc trẻ và các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng theo quy định của pháp luật.
3. Ban Chấp hành quy định cụ thể thủ tục, tiêu chuẩn và thẩm quyền khen thưởng.

Điều 21. Kỷ luật
1. Hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ, Nghị quyết của Hội gây ảnh hưởng đến uy tín của Hội thì tuỳ theo mức độ sẽ bị Ban Chấp hành xem xét thi hành kỷ luật với hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cho thôi giữ chức vụ trong Ban Chấp hành hoặc xóa tên hội viên.
2. Các thành viên, đơn vị trực thuộc Hội vi phạm pháp luật, Điều lệ, nghị quyết của Hội thì tuỳ theo mức độ Ban Chấp hành Hội xem xét thi hành kỷ luật với hình thức: khiển trách, cảnh cáo, xóa tên hoặc giải thể đối với đơn vị trực thuộc Hội. Việc giải thể đơn vị trực thuộc được thực hiện theo qui định của pháp luật.
3. Ban Chấp hành quy định cụ thể nội dung, trình tự, thủ tục và hình thức kỷ luật của Hội.

Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Chỉ có Đại hội Đại biểu của Hội mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ này. Việc sửa đổi bổ sung Điều lệ hội phải được ít nhất 2/3 (hai phần ba) số đại biểu có mặt tại Đại hội thông qua và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.

Điều 23. Hiệu lực thi hành
1. Điều lệ này gồm 7 chương và 23 Điều đã được thông qua tại Đại hội Đại biểu Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh lần thứ nhất và có hiệu lực thi hành theo quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.
2. Căn cứ các quy định pháp luật về Hội và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện bản Điều lệ này./.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết