Thông tin em đưa ra chưa chính xác đâu.
Ventolin Inhaler là Bình xịt khí dung cứ 1 liều xịt có 100 microgam Salbutamol, bình 200 liều; tá dược gồm các chất đẩy (CFC) và acid oleic.
Theo Dược thư Việt Nam, Salbutamol có tác dụng chọn lọc kích thích các thụ thể beta2 (có ở cơ trơn phế quản, cơ tử cung, cơ trơn mạch máu) và ít tác dụng tới các thụ thể beta1 trên cơ tim nên có tác dụng làm giãn phế quản, giảm cơn co tử cung và ít tác dụng trên tim.
Ở dạng khí dung, Sabutomol (Ventolin) có tác dụng giãn phế quản xuất hiện sau 2 - 3 phút, tối đa từ 5 đến 15 phút và kéo dài 3 - 4 giờ. Nồng độ thuốc trong huyết tương thấp, đạt tối đa trong vòng 2 - 4 giờ. Khoảng 72% lượng thuốc hít vào đào thải qua nước tiểu trong vòng 24 giờ, trong đó 28% không biến đổi và 44% đã chuyển hóa. Nửa đời thải trừ (thời gian bán hủy) của thuốc là 3,8 giờ. Do nồng độ thuốc trong huyết tương thấp nên dạng khí dung ít gây tác dụng phụ hơn dạng viên hoặc tiêm.
Ðiều trị cơn hen cấp: Ngay khi có những triệu chứng đầu tiên, dùng bình xịt khí dung 100 microgam/liều cho người bệnh, hít 1 - 2 lần qua miệng, cách 15 phút sau, nếu không đỡ, có thể hít thêm 1 - 2 lần. Nếu đỡ, điều trị duy trì; không đỡ phải nằm viện.
Ðề phòng cơn hen do gắng sức: + Người lớn: dùng bình xịt khí dung để hít 2 lần, trước khi gắng sức từ 15 đến 30 phút;
+ Trẻ em: hít 1 lần, trước khi gắng sức 15 đến 30 phút.
Để giảm bớt co thắt phế quản cấp và để kiểm soát các cơn suyễn không liên tục: có thể dùng liều duy nhất 1 hay 2 lần hít.
Liều khuyến cáo dùng dự phòng hay duy trì bệnh mãn tính: 2 lần hít vào dùng 3 hay 4 lần mỗi ngày.
Cảnh báo: Tác dụng giãn phế quản của mỗi lần hít Ventolin kéo dài 4-6 giờ. Ventolin không được sử dụng thường xuyên hơn so với khuyến cáo. Không nên tăng liều hay tần suất liều Ventolin mà không tham vấn bác sĩ. Nếu bệnh nhân thấy rằng điều trị bằng Ventolin trở nên kém hiệu quả để giảm triệu chứng, các triệu chứng của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn, và / hoặc bệnh nhân cần sử dụng Ventolin thường xuyên hơn bình thường, thì họ nên đi khám ngay lập tức.